Bình Phú là xã thuộc tỉnh Gia Lai, được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 xã Bình Tường, Tây Phú và Vĩnh An (thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cũ), nằm cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 45 km về phía Tây theo Quốc lộ 19, với diện tích hơn 20.000 ha và dân số trên 23.000 người. Xã Bình Phú tuy có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn so với các địa phương lân cận nhưng, đây là nơi đang sở hữu nhiều tiềm năng du lịch độc đáo, phong phú về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống và tâm linh lịch sử. Bình Phú đã và đang từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch sinh thái và văn hóa trên vùng đất võ .
Đài Kính Thiên
Bình Phú được thiên nhiên ưu ái với địa hình rừng núi xen lẫn hệ thống sông suối tạo nên những cảnh quan thơ mộng. Bình Phú còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Nơi đây hiện hữu những địa danh linh thiêng như: Khu tâm linh Đài Kính Thiên gắn liền với quá trình quy tụ lòng người để xây dựng lực lượng trong quá trình khởi nghĩa của phòng trào nông dân Tây Sơn do ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi xướng và lãnh đạo những năm cuối thế kỷ XVIII. Phong trào làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. Lăng Mai Xuân Thưởng - Nơi yên nghỉ cuối cùng của nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng, một lãnh tụ phong trào Cần Vương chống Pháp thập niên 90 cuối thế kỷ XIX trên đất Bình Định và khu vực trung miền Trung. Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng - Một dũng tướng đứng đầu Tây Sơn Thất hổ tướng với những chiến công lừng lẫy gắn liền với sự nghiệp Nhà Tây Sơn. Đây là những điểm đến mang ý nghĩa giáo dục lịch sử và tâm linh sâu sắc. Đặc biệt, khu du lịch Hầm Hô không chỉ là một danh thắng nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, muôn hình vạn trạng của đá và suối mát trong xanh mà đây còn là nơi rèn binh của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng, căn cứ kháng chiến của quân dân xã Bình Phú trong 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược. Hầm Hô còn là nơi tổ chức lễ Giỗ Tiền hiền Lộc Đỗng - Kiềng Giang vào ngày 20 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhằm tưởng nhớ công lao của các vị tiền hiền Lê Kim Bôi, Lê Kim Bảng, những người có công khai sinh đập Hầm Hô để lấy nước tưới tiêu cho hơn 600ha lúa tại vùng hạ lưu từ thế kỷ XVIII.
Hầm Hô
Không chỉ vậy, Bình Phú còn có những nét nổi bật khác bởi các điểm tham quan tự nhiên như: Suối nước Gộp - Thác Đổ Vĩnh An, đập dâng Văn Phong nằm trên dòng sông Kon hiền hòa, hay cầu treo đỏ làng Xà Tang, cầu treo Hà Nghe làng Kon Mon bắc qua dòng suối nước Gộp trong vắt. Những địa điểm này không chỉ là nơi dừng chân lý tưởng để thư giãn, mà còn là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động du lịch sinh thái, dã ngoại và chụp ảnh.

Cầu treo Xà Tang Ảnh: Đỗ Đình Thi.
Bình Phú còn là nơi sinh sống của gần 1.500 người đồng bào Bana tại 5 làng, nơi giao thoa giữa cao nguyên và đồng bằng phía Đông dãy Trường Sơn. Các nét sinh hoạt văn hóa truyền thống như lễ hội mừng nhà mới, cơm mới, năm mới, cưới hỏi…, cùng lễ hội cồng chiêng, múa xoang bên nhà rông, nhà sàn cũng là những sự kiện mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng và luôn hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, các môn thể thao dân gian như đẩy gậy, đi cà kheo, bắn nỏ cùng các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan đát xadat được bảo tồn và phát huy, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm văn hóa cho du khách khi đến với mảnh đất Bình Phú.
Thi đẩy gậy
Không chỉ có cảnh đẹp, văn hóa đa dạng mà ẩm thực địa phương cũng là điểm nhấn hấp dẫn. Bên cạnh món dé bò, bánh cuốn trứ danh của Tây Sơn xưa nay thì Bình Phú còn có những món ăn mang hương vị đặc trưng như: gà đồi, heo đen nướng, cơm lam, ốc đá, cá suối nướng, rau rừng, măng rừng, nước đát… cùng những ché rượu cần thơm lừng làm mọng môi du khách vào mỗi dịp lễ hội hoặc dịp đón các đoàn du khách đến thăm. Đây là những đặc sản mang đậm chất núi rừng và thiên nhiên, được chế biến theo phong cách mộc mạc nhưng đậm đà. Những món ẩm thực này kết hợp với vũ điệu múa xoang, cồng chiêng quanh bếp lửa trại về đêm cũng đủ để làm ngây ngất lòng người.
Lễ hội Mừng năm mới
Một trong những điều kiện thuận lợi để Bình Phú là điểm đến tiềm năng bởi có hệ thống giao thông cơ bản kết nối đến các điểm du lịch trong vùng, liên hoàn các di tích cấp Quốc gia đặc biệt, các di tích nổi tiếng trên địa bàn khu vực các xã lân cận như Bảo tàng Quang Trung - Đền thờ Tây Sơn tam kiệt, tháp Chăm Dương Long, Khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Huyện đường Bình Khê; nằm trên trục giao thông chính Quốc lộ 19 nối liền 2 vùng biển và núi của tỉnh Gia Lai. Hiện trên địa bàn xã cũng đã có 02 khách sạn đạt chuẩn 1 sao phục vụ lưu trú du lịch; 02 nhà hàng có sức chứa hàng trăm thực khách cùng lúc là Hoa Lộc Vừng và Văn Phong Quán. Với số lượng điểm đến hiện có, bình quân mỗi năm, Bình Phú đón hơn 90.000 lượt khách du lịch đến địa bàn.
Nhà hàng Hoa Lộc Vừng - Hầm Hô
Với tiềm năng lớn về thiên nhiên, văn hóa và lịch sử, cùng lượng khách ngày càng tăng, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững và lâu dài, xã Bình Phú đang kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, quà lưu niệm và hạ tầng du lịch. Hiện trên địa bàn xã cũng đã có quy hoạch tỷ lệ 1/2000 và kêu gọi đầu tư dự án như Khu du lịch Thác Đổ rộng 50 ha, nơi có dòng thác cao 40 mét ngày đêm tung bọt trắng xóa; triển khai quy hoạch 1/2000 khu đô thị du lịch và sân golf rộng 300 ha… Nếu được sự quan tâm đầu tư và hợp tác phát triển của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh cùng sự hỗ trợ tích cực từ các sở, ngành chuyên môn của tỉnh, hy vọng một ngày không xa, Bình Phú sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua mỗi khi du khách đặt chân đến tỉnh Gia Lai - Nơi biển và rừng hòa chung nhịp đập./.
Đặng Bảo Toàn